Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Uống mật ong đúng giờ còn tốt hơn thuốc bổ

Mật ong rất tốt cho sức khỏe, nếu biết dùng đúng cách, mật ong còn mang lại nhiều lợi ích hơn cả thuốc bổ
Mật ong là thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi bạn biết chọn thời điểm để uống.
Uống mật ong trước khi đi ngủ – Hỗ trợ giấc ngủ và an thần. Dân gian có câu: Nước muối mỗi sáng, nước mật ong mỗi tối. Ý nghĩa của câu nói này là: Uống nước lúc đói khi dậy sớm mỗi ngày, mỗi đêm trước khi đi ngủ uống nước mật ong.
Thành phần chính của mật ong là đường Glucoza và Fructoza , rất nhiều  loại vitamin, chất khoáng có thể điều chỉnh chức năng hệ thần kinh, làm giảm căng thẳng thần kinh, thúc đẩy giấc ngủ và không có tác dụng phụ. Một cốc mật ong trước khi ngủ có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Uống mật ong sau bữa ăn từ 1 đến 2 giờ.  Mật ong có tác dụng điều tiết chức năng tiêu hóa khiến dạ dày tiết axít nhiều hơn bình thường. Sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn no, chức năng tiêu hóa của dạ dày dễ bị suy giảm, đi tiêu khó. Một ly mật ong có thể thúc đẩy bài tiết axít dạ dày bình thường, rút ngắn thời gian đại tiện một cách đáng kể khiến bạn có cảm giác “nhẹ bụng” hơn. Như vậy, cũng giúp bạn hạn chế bớt được những tác động xấu của những bữa ăn tối quá đà.
Uống mật ong 30 phút trước bữa ăn ngăn chặn axít dạ dày. Mật ong có thể đóng một vai trò điều tiết hoạt động tiết axít của dạ dày. Trước bữa ăn nửa giờ, uống một ly nước mật ong có thể ức chế tiết axít dạ dày, do đó làm giảm kích thích niêm mạc dạ dày. Đối với những người bị viêm loét dạ dày thì uống một ly nước mật ong ấm mỗi ngày; sau một thời gian, tình trạng viêm sẽ giảm đáng kể, thậm chí khỏi hẳn.
Mật ong giúp giảm chứng ho đêm. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, thay vì dùng các loại thuốc trị ho, bạn có thể dùng mật ong để giảm chứng ho đêm cho trẻ khi bị cảm lạnh. Uống 1-2 muỗng cà phê mật ong pha với nước ấm trước khi ngủ có thể giảm các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Chất cấm trong chăn nuôi phá hủy cấu trúc gen giống nòi

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm là một thực trạng nhức nhối đang diễn ra, chất cấm có thể phá hủy cấu trúc gen giống nòi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm và các vấn đề đặt ra”tại Hà Nội sáng ngày 25/4. Ngoài việc khuyến nghị tìm giải pháp cho một nền nông nghiệp sạch, Hội thảo đưa ra thông điệp: Chất cấm sẽ làm hỏng cấu trúc gen của giống nòi.
Điểm quan trọng mà hội thảo đưa ra là tiếp tục kêu gọi các bên liên quan cần góp sức lên tiếng, sớm ngặn chặn việc chất cấm. Thực tế chúng ta cũng đã phần nào ngăn chặn được nguồn cung chất cấm. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tại hội thảo thì chất cấm vẫn đang tồn tại ở các trâng trại chăn nuôi và lò mổ.
Để thay đổi từ phía người nông dân, tại hội thảo, các chuyên gia của Cục chăn nuôi cũng đưa ra những giải pháp nuôi lợn có chất lượng, độ nạc cao, an toàn mà không cần sử dụng chất cấm độc hại.
Các ý kiến tại Hội thảo đã thống nhất, thời gian tới, cần đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn chất cấm, đặc biệt là kiểm tra đột xuất cũng như áp dụng các chế tài mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất cần đẩy mạnh các chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai trên cả nước.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Tắc kè giúp nam giới khỏe

Theo y học cổ truyền, tắc kè có vị mặn, bình, quy kinh, có ít độc tính. Thành phần chủ yếu có trong tắc kè là chất béo, các loại axít amin.
Theo y học cổ truyền, tắc kè có vị mặn, bình, quy kinh, có ít độc tính. Thành phần chủ yếu có trong tắc kè là chất béo, các loại axít amin. Dùng tắc kè làm thuốc có tác dụng bổ phế, ích tinh huyết, bổ thận dương. Khi dùng, người ta thường sử dụng một cặp tắc kè, ít khi chỉ dùng một con làm thuốc. Với những nam nhi yếu kém vè chuyện ấy, chắc chắn các món ăn dưới đây sẽ giúp họ tự tin hơn nhiều.
Món ăn từ tắc kè giúp bổ thận tráng dương
Rượu tắc kè: tắc kè một cặp, nhân sâm 15g, nhục thung dung 50g, thục địa, bách bộ, mạch môn mỗi thứ 20g. Cho tất cả những thứ trên vào 1.000ml rượu trắng, ngâm trong vòng 1-2 tháng. Nên dùng trước khi ăn cơm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Rượu tắc kè có tác dụng bổ dương, ích tinh huyết.
Canh tắc kè nấu với chim cút: tắc kè một cặp, chim cút 1 con, một chút gừng, gia vị. Làm thịt chim cút, chặt miếng sau đó cho tắc kè vào cùng, đổ một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, vặn nhỏ lửa hầm trong vòng 2-3 giờ. Khi ăn cho thêm gia vị, gừng, ăn 1 lần/ngày, ăn trong 1 tháng.
Canh nhân sâm tắc kè: tắc kè một cặp, nhân sâm 10g, thịt thăn 100g, táo đỏ, gừng lượng vừa đủ. Thịt nạc, tắc kè, nhân sâm rửa sạch, tất cả cho vào bát rồi hấp cách thủy. Nên dùng món ăn này thay cho canh hằng ngày có tác dụng ôn tỳ bổ thận.
BS. Nguyễn Thanh Khang

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

5 lợi ích sức khỏe tuyệt vời từ bơi lội

Bơi lội tốt cho xương khớp, cải thiện chức năng phổi, giúp bạn có cơ thể cân đối và còn là môn thể thao gần gũi với thiên nhiên.
Trong những hè để tìm được môn thể thao thích hợp không hề đơn giản chút nào. Chạy bộ? Một thời gian đôi khi cũng nhàm chán. Tập tạ, điền kinh? Quá mệt, quá mất sức. Đạp xe đạp trong các phòng tập? Quá ồn ào !!
Nếu bạn đang tìm một bài tập giúp cải thiện sức khỏe toàn diện thì bơi lội là sự lựa chọn hoàn hảo.
Vậy hãy thử đi bơi, mới bắt đầu bạn có thể đã thích ngay. Thoạt nhìn trông có vẻ khó nhọc, nhưng những lợi ích thật là nhiều hơn những gì bạn tưởng. Sau đây là những lý do khiến bạn không còn ngần ngại môn thể thao này nữa.
1. Giúp bạn “mát lòng”
Từ lâu nước là biểu tượng của sự đổi mới và trong sáng. Nghiên cứu cho thấy khi bạn đắm mình trong làn nước sẽ có những tác động mạnh mẽ tới não bộ và đem lại tác dụng như thiền định, não được thư giãn không còn chịu những áp lực của cuộc sống đời thường. Bạn hãy tận dụng liệu pháp thả nổi cơ thể (ngửa mặt lên trời) nhé!.
2. Không gây nhiều sức ép cho cơ thể
Bơi lội giúp bạn có những bài tập “cardio” mà không gây sức ép lên cơ, xương, khớp. Lợi thế của bơi lội là bất kể tuổi tác, béo hay gầy đặc biệt người lớn tuổi, người bị viêm xương khớp đều có thể tham gia. Đây là một trong những môn thể thao vừa giúp bạn thư giãn, vừa cải thiện sức khỏe đáng kể.

Boi-loi-mon-the-thao-tuyet-voi-cho-suc-khoe

3. Giúp bạn gần gũi với thiên nhiên
Nếu bạn có may mắn sống gần sông biển, gần hồ thì những lần được bơi lội trên sông nước thì thật là tuyệt vời! Nghiên cứu cho thấy nếu dành nhiều thời gian để hòa mình vào với thiên nhiên thì không những cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn thể chất, giúp bạn có thân hình cân đối, giảm stress và tinh thần được sảng khoái.
Một ngày nào đó, bạn bơi giỏi lúc đó bạn có thể có những hoạt động thể thao dưới nước như lặn hay lướt sóng.

4. Giúp bạn rắn chắc, dẻo dai hơn
Tuy là một môn thể thao tương đối nhẹ nhàng, nhưng bơi lội đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giống như thể dục nhịp điệu, nhưng bơi lội còn giúp cơ thể dẻo dai, gia tăng sức bền. Tạp chí “Women’s Health” cho thấy bơi lội giúp cơ thể rắn chắc dẻo dai. Tập luyện cơ bắp, đặc biệt người lớn tuổi là cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Rèn luyện sự dẻo dai giúp cải thiện giấc ngủ, giữ được thăng bằng, tốt cho xương khớp.
5. Giúp bảo vệ lá phổi
Một vài nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bơi lội và cải thiện chức năng phổi. Nghiên cứu đã xác lập một liên quan giữa giảm chức năng phổi với các bệnh lý tim mạch. Nếu bạn có 2 lá phổi khỏe mạnh thì cơ thể sẽ ‘xử lý” oxy hiệu quả, bạn không có cảm giác bị hụt hơi và giúp phòng chống các bệnh tật tốt hơn.
Tóm lại, bơi lội là môn thể thao lý tưởng để có một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện!!
Bs Ái Thủy
(theo huffingtonpost.fr)

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Biểu hiện và giải pháp cho bệnh rối loạn tiêu hóa

Chắc bạn cũng biết những bệnh ở đường tiêu hóa thường có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, đặc biệt là trong ăn uống, rối loạn tiêu hóa thường gây đau bụng, đầy lợi, khó tiêu…
Biểu hiện của bệnh rối loạn tiêu hóa
Nôn mửa. Nôn mửa làm người bệnh bị mất nước, mệt mỏi. Nếu tình trạng nôn mửa kéo dài, nôn ra máu, người bệnh cần phải đến bệnh viện để khám chữa kịp thời.
Đau bụng. Đây có lẽ là triệu chứng mà bệnh ở đường ruột nào cũng có, buổi sáng có thể thấy bụng nhỏ, thoải mái, nhưng càng về chiều thì bụng càng to ra, thường xuyên có cảm giác khó tiêu, có người bị xì hơi, đắng miêng, ợ chua,…
Táo bón, tiêu chảy, sống phân: Người bị rối loạn tiêu hóa nặng sẽ có những biểu hiện: táo bón, tiêu chảy, sống phân kéo dài. Các triệu chứng có thể đến đồng thời trong ngày hoặc luân phiên, dẫn đến tình trạng đi ngoài bất thườn, không ổn định, người mệt mỏi, xanh xao.
Giải pháp cho bệnh rối loạn tiêu hóa?
Căn nguyên của rối loạn tiêu hóa là do hại khuẩn đường ruột tăng lên làm mất cân bằng hệ khuẩn đường ruột. Do đó điều cần thiết nhất là phải bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột
Một số trường hợp cần phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ, nhưng thay đổi chế độ ăn và uống bổ sung men vi sinh vẫn là yếu tố quyết định để cải thiện rối loạn tiêu hóa. Vậy trong ăn uống cần lưu ý điều gì?
  • Không ăn đồ lạnh, tránh hoàn toàn rượu bia, đồ sống (chưa nấu chín)
  • Giảm ăn dầu mỡ, tuyệt đối không ăn vặt ở vỉa hè
  • Phải ăn chậm, nhai kỹ
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, nên ăn 5-6 bữa
  • Giảm thực phẩm cay nóng

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Tinh dầu bạc hà chữa đau đầu

Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu đa năng không chỉ có mùi thơm tuyệt vời mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Loại tinh dầu này có thể giúp bạn đối phó với những cơn đau đầu bằng cách giảm đau và thư giãn. Dưới đây là cơ chế giảm đau đầu của tinh dầu bạc hà.
- Tinh dầu bạc hà chứa lượng đáng kể menthol giúp giảm cơn đau đầu kịch phát bằng cách giảm đau.
- Đau đầu thường gây lưu thông máu kém. Xoa bóp bằng loại dầu thơm này ở trước trán giúp các mạch máu lưu thông. Loại dầu này cũng giúp thông mũi để oxy vào máu nhiều hơn.
- Dầu bạc hà có tác dụng giãn cơ, vì vậy nó đặc biệt có lợi cho bệnh đau đầu do căng thẳng.
- Căng thẳng là một tác nhân chính gây đau đầu. Hương thơm của dầu bạc hà giúp giảm bớt lo âu và căng thẳng.
Cách sử dụng
- Nhỏ 2-3 giọt tinh dầu bạc hà lên tay và chà nhẹ vào thái dương và trên khu vực xoang. Nhưng cần tránh bôi dầu ở gần mắt.
- Có thể kết hợp 2 giọt tinh dầu hoa oải hương với 2 giọt tinh dầu bạc hà và thoa nhẹ nó trên bề mặt da gần tai, sau cổ và thái dương.
- Lấy 3 giọt tinh dầu bạc hà trộn với 1 thìa nước hoặc dầu nền như dầu dừa trong 1 cái cốc. Sau đó lây bông hoặc vải thấm và bôi lên thái dương.

BS Tuyết Mai/Univadis
(Theo THS)

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Xua tan nỗi lo viêm đại tràng co thắt thường xuyên tái phát

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích khiến người gặp không ít khổ sở, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh
Đáng nói là bệnh khó trị nhưng lại rất dễ tái phát.Một số biểu hiện của viêm đại tràng co thắt như đau bụng, đi ngoài xong thì đỡ đau hơn, đầy bụng, trướng hơi, luôn có cảm giác mót rặn, phân lúc lỏng, lúc táo, sống phân, ăn uống không ngon miệng. Đặc biệt cơn đau thường xuất hiện và nặng hơn sau khi ăn nhiều đồ lạnh, dầu mỡ…
Mắc bệnh này, người bệnh cần đi khám, nội soi để biết chính xác và có hướng điều trị tích cực.
Khi viêm đại tràng co thắt khiến nhu động ruột co thắt mạnh, bất thường nên gây ra các cơn đau dữ dội làm giảm đáng kể số lượng lợi khuẩn trong đường ruột, đặc biệt là lợi khuẩn Bifidobacterium – đây là lợi khuẩn chính của đường ruột.
Người bệnh viêm đại tràng co thắt luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn khỏi lại bị, nếu chỉ điều trị các triệu chứng, mà không chữa trị tận gốc.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Canh cá nheo bổ khí huyết

Cá nheo thuộc loại cá da trơn, sống tự nhiên ở sông hồ nước ngọt và nuôi lấy thịt có giá trị kinh tế cao.
Cá nheo thuộc loại cá da trơn, sống tự nhiên ở sông hồ nước ngọt và nuôi lấy thịt có giá trị kinh tế cao. Thịt cá nheo rất thơm ngon, chế biến thành nhiều món rất có ích trong việc bồi bổ sức khỏe, phòng trị bệnh.
Cá nheo rất giàu chất đạm, chất béo, vitamin A, E, D và DHA và omega-3, giúp phát triển trí não trẻ, tăng thị lực, chống lão hóa, ngừa bệnh tim mạch, cơ xương khớp người lớn... Theo y học cổ truyền, cá nheo vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ hư, ích khí dưỡng huyết, kiện tỳ vị hóa thấp, thông trệ, cầm huyết. Dùng rất tốt với người bị tỳ hư ăn không ngon, tiểu tiện không thông lợi, đau mỏi xương khớp, sinh lý yếu và các chứng liên quan khí huyết hư dùng đều tốt. Sau đây là một số món ăn dược thiện có tác dụng trị bệnh.
Cá nheo nấu canh đậu: cá nheo, đậu rồng, cà chua, rau om, ngò gai, giá đậu, bông chuối, dứa, me, hành, ớt gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ khí huyết, kiện tỳ vị hóa trệ. Chữa huyết hư đau đầu chóng mặt. Còn dùng tốt với người mệt mỏi, gầy nóng,  khó lên cân.
Canh cá nheo nấu măng chua: cá nheo, măng chua, chuối chát, khế, cà chua, đậu bắp, hành, mùi tây, tiêu, mắm, muối, dầu ăn, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ tỳ thận thanh thấp nhiệt. Chữa bí tiểu do thấp nhiệt. Còn dùng chữa chứng phì đại tuyến tiền liệt, tiểu buốt, dắt, viêm tiết niệu.
Cá nheo nấu dưa chua: cá nheo, dưa muối, cà chua, hành tươi, tiêu, ớt gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết thông trệ, thanh thấp nhiệt. Chữa viêm đại tràng, táo bón. Dùng tốt cho người mắc chứng nội nhiệt táo bón, tỳ vị hư ăn không ngon.
Cá nheo bung chuối đậu: cá nheo, chuối xanh, đậu phụ, thịt ba chỉ, lá lốt, tía tô, nghệ, tiêu, ớt, mắm muối gia vị vừa đủ om nhừ ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết sinh tân, thông trệ... Chữa đái tháo đường, người gầy sút.
Cá nheo kho riềng: cá nheo, riềng, mía, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn, kèm với rau muống hoặc rau cải luộc. Công dụng: ôn bổ tỳ, trừ hàn thấp... Chữa chứng tỳ hư ăn kém, phù thũng.
Canh cá nheo nấu ngót: cá nheo, cà chua, rau cần, rau ngổ, rau mùi, rau thơm, hành ngò, ớt, gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tỳ thận. Chữa tóc bạc sớm do huyết hư. Bài này còn thích hợp trị chứng nóng nhiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường đường, trẻ em còi chậm lớn.
Lẩu cá nheo: cá nheo, xương heo, giá đậu, bông súng, rau đắng, đậu bắp, cà chua, dứa, me, ớt, ngò, mùi tàu, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tỳ thận. Chữa nam nữ hiếm muộn sinh lý yếu. Bài này còn dùng tốt cho người tỳ hư ăn ngủ kém.
Canh chua cá nheo: gồm cá nheo, dứa, cà chua, dọc mùng, giá đậu, rau đắng, rau ngổ, hành lá, mắm, muối, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ hư, ích khí huyết, chỉ huyết, kiện tỳ... Chữa chứng suy nhược, mệt mỏi. Còn dùng chữa tiểu buốt tiểu dắt, phù thũng, tăng huyết áp.
Cá nheo kho nghệ: cá nheo, nghệ, thịt ba chỉ, hành, tiêu, muối, đường, dầu ăn, gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: kiện tỳ, dưỡng khí, thông huyết. Chữa phụ nữ sau sinh thiếu sữa, người có chứng tỳ vị hư ăn không ngon.
Cá nheo là loại cá giàu chất đạm, chất béo, nên hạn chế dùng cho người đang cần giảm cân, đang đau khớp do gút. Khi chế biến, rửa cá bằng nước ấm, mổ bụng rửa qua cá với dấm hoặc chanh cho bớt tanh.
BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

4 món ăn truyền thống tốt cho sức khỏe

Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã biết lựa chọn những món ăn ngày Tết vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, có nhiều vị khí.
Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã biết lựa chọn những món ăn ngày Tết vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, có nhiều vị khí. Vị là chua, cay, đắng, mặn, ngọt. Còn khí là tinh dầu, là mùi thơm.
Theo Đông y, vị ngọt đi vào tỳ (tụy) làm bổ tỳ vị, vị chua vào can (gan) để giúp gan thanh trọc giải độc. Vị cay có sức nóng vào phế (phổi) để làm ấm phổi, vì những ngày Tết thường vào tiết đại hàn nên rất lạnh, phổi dễ nhiễm hàn gây viêm họng sưng phổi. Vị đắng đi vào tâm (tim). Vị đắng có tính hàn vào tim để làm mát huyết, trong ngày Tết uống nhiều rượu dễ làm huyết nhiệt có thể làm đau đầu, tăng huyết áp. Vị mặn (muối) có tỷ trọng nặng nên đi xuống phía dưới vào thận để giúp thận thanh trọc, đào thải các chất cặn bã, đưa những chất độc ra khỏi cơ thể. Tinh dầu, mùi thơm giúp cho cơ thể phát tán để lưu thông khí huyết, đào thải các chất không cần thiết ra ngoài theo đường hô hấp và mồ hôi… để cân bằng âm dương trong cơ thể, giúp cho người luôn khỏe mạnh. Vì thế mà các món ăn ngày Tết không thể thiếu những chất có tác dụng bổ dưỡng, điều hòa âm dương khí huyết trong cơ thể để khỏe mạnh, ví như:
Dưa hành ngày Tết: hành trong Đông y gọi là “Thông bạch”, vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc. Nó còn có tác dụng làm ấm tỳ vị và tiêu hóa chất mỡ. Có tác dụng làm giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh. Cho nên các cụ xưa dạy: “Thịt mỡ đi đôi với dưa hành” để ăn trong những ngày Tết là với cái lẽ đó.
Măng ninh với chân giò: Đông y gọi măng là “Trúc duẩn”, vị ngọt hơi đắng, tính hàn không độc có tác dụng điều hòa tỳ vị, thanh nhiệt, giáng hỏa tiêu đờm, trị chứng khí nghịch, gây nôn ọe, ho nhiều đờm, nó còn có chất xơ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa. Chân giò lợn, Đông y gọi là “Trư đề” có tác dụng bổ thận, bổ tỳ vị giải nhiệt, trị đơn độc. Hai món đó ninh nhừ ăn trong ngày Tết vừa bổ dưỡng, ngon miệng lại dễ tiêu hóa, trừ được đờm dãi.
Vịt tần với thuốc Bắc: thường gọi “Gia ác lục vị”(gia ác là thịt vịt, lục vị là sáu vị thuốc bắc - con số sáu người ta cho rằng là con số phát lộc). Món ăn này nhiều địa phương ở vùng Nam Trung bộ có tục ngày Tết không thể thiếu món hầm vịt với thuốc Bắc như: đảng sâm, kỷ tử, hoài sơn, liên nhục, táo đỏ (đại táo), ý dĩ (đảng sâm bổ khí, kỷ tử bổ thận, liên nhục hoài sơn vừa bổ thận vừa bổ tỳ vị, ý dĩ, đại táo vừa bổ tỳ vị vừa điều hòa tỳ vị làm cho món ăn tăng thêm tác dụng bổ dưỡng). Món ăn này để cúng tổ tiên nhưng cũng là món ăn bổ dưỡng, lại mang lộc đầu năm vào cho gia đình và cho mỗi người. Ở miền Nam Trung bộ, những ngày đầu xuân, nếu ai được ăn món này xem như là một sự may mắn.
Bánh chưng: là món không thể thiếu trong cỗ Tết đầu xuân. Trong thuyết âm dương ngũ hành, mùa xuân thuộc can (gan) thuộc mộc, thuộc tương sinh, ưa màu xanh, làm cho hai con mắt trong sáng. Trong Đông y, mắt là tinh hoa của gan, mùa xuân còn làm cho con người gân cốt mạnh hơn. Trong bánh chưng thường có gạo nếp mà Đông y gọi là Đạo mễ, Nhu mễ hay Dự mễ có vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm, có tác dụng ích thận khí, bổ gan, làm cho gan mật lưu thông, tỳ vị mạnh lên để nuôi dưỡng toàn thân và làm mạnh gân cốt; Đông y gọi đậu xanh là Lục đậu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị, tim, gan, giải được các độc chất trong thức ăn. Đông y gọi thịt lợn là Trư nhục, có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương, phần thịt mỡ có tác dụng hấp thu và đào thải rượu; Đông y gọi hạt tiêu là hồ tiêu, vị cay tính đại ôn, có tác dụng làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa, giáng khí, trừ đờm, trị chứng đau bụng do hàn tích, ăn vào không tiêu hóa. Tất cả được gói trong lá dong màu xanh. Chữ dong có nhiều nghĩa nhưng có một ý nghĩa là trong xanh, trường thọ vì nó sống trong rừng sâu, được các cây cổ thụ che chở nên bốn mùa trong xanh, tươi tốt sống năm này qua năm khác, không bao giờ bị tàn héo. Đó là các thành phần có tính chất bổ dưỡng của bánh chưng mà bao lâu nay chúng ta ăn khen ngon nhưng chưa hiểu hết vai trò và tác dụng của bánh chưng trong ngày Tết.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng (Nguyên Chủ tịch TW Hội Đông y Việt Nam)

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Lô hội - Cây thuốc quý

Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Tên khoa học: Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh, trong chế biến món ăn, mỹ phẩm và làm thuốc.
Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Tên khoa học: Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh, trong chế biến món ăn, mỹ phẩm và làm thuốc. Lô hội là nhựa cây nha đam. Nên chọn nhựa khô có sắc đen hoặc đen nâu, hơi có ánh bóng, cứng, không lẫn tạp chất là tốt.
Lô hội chủ yếu có chứa chất antraglycozit, chủ yếu là aloin. Nhựa chứa acid amin, vitamin (B1, B2, B5, B6, B12, axít folic, C, A, E); khoáng tố vi lượng (Na, K, Ca, P, Cu, Fe, Zn, Mg, Mn, Cr)… Theo Đông y, lô hội vị đắng, tính hàn. Vào kinh can, tỳ, vị, đại trường. Có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón, chữa viêm loét dạ dày, làm lành vết thương, bệnh ngoài da, thông kinh nguyệt, sỏi niệu, đái tháo đường... Dùng ít tác dụng kiện vị, mỗi lần uống 0,01 - 0,03g. Dùng nhuận trường, mỗi lần uống 0,06 - 0,2g. Dùng xổ, mỗi lần  1 - 2g. Sau đây là một số cách dùng lô hội làm thuốc:
Trị cam, sát trùng, hòa vị, chỉ tả
Dùng bài:  Lô hội hoàn: lô hội 40g,  hạc sắt 40g, lôi hoàn 40g, mộc hương 40g, thanh đại 40g, thuyền thoái 20 cái, vu di 40g, xạ hương 4g. Các vị tán bột làm hoàn, ngày uống 2 - 4g.
Lô hội có tác dụng với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết
Dùng bài: Lô hội thông tiện giào hoàn: lô hội 6g. Nghiền nát, phân ra cho vào 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang. Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tác dụng: thanh nhiệt, thông lâm..
Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn
Dùng  bài: Lô hội tán: lô hội 30g, cam thảo 15g. Tán bột. Dùng nước đậu hũ rửa chỗ loét rồi đắp thuốc vào.
Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, tiểu đỏ, ít, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì co giật, phát cuồng, nói nhảm.
Dùng bài: Đương quy lô hội hoàn: lô hội, đại hoàng, thanh đại (thủy phi) mỗi thứ 4g; đương quy, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, hoàng bá, hoàng liên mỗi thứ 6g; mộc hương 5,5g, xạ hương 0,3g (để riêng). Các vị tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g, ngày 3 lần.
Trị cam nhiệt, giun đũa: lô hội 15g. Tán bột, mỗi ngày uống 6g lúc đói với nước  ấm.
Mụn nhọt: lá lô hội tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt.
Trứng cá: lá lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.
Đái tháo đường: lá lô hội 20g. Sắc uống ngày 1 thang (có thể uống sống).
Tiểu đục: lô hội tươi 20g giã nát, thêm đạm qua tử nhân 30 hạt, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể dùng hoa lô hội 20g nấu với thịt lợn ăn.
Tiêu hóa kém: lô hội 20g, bạch truật 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Viêm loét tá tràng: lô hội 20g, dạ cẩm 20g, nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10g chiêu với nước thuốc trên. 15-20 ngày là 1 liệu trình.
Bế kinh, đau bụng kinh: lô hội 20g, nghệ đen 12g, rễ củ gai 20g, tô mộc 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1thang, chia 2-3 lần.
Lưu ý:
- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.
- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi.
- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.
Lương y: Minh Phúc